Bài tuyên truyền về Khuyến cáo không hoang mang tích trữ hàng hóa

Đăng lúc: 00:00:00 30/08/2021 (GMT+7)

BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ CÔNG TÁC ỔN ĐỊNH TƯ TƯỞNG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH

 Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp , mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 10 nghìn ca nhiễm. Tại Thanh Hóa đã xuất hiện ổ dịch phức tạp tại Huyện Nông Cống và các huyện có ca lây nhiễm như huyện Như Thanh, Hoằng Hóa. Tại huyện Hoằng Hóa đã có 1 ca bệnh tại xã Hoằng Thái, Cụ thể thông tin về ca bệnh: Bệnh nhân là Lê Thị Lệ, sinh năm 1984,  có địa chỉ tại Thôn 1, xã Hoằng Thái, Hoằng Hóa, Thanh Hóa; Nơi làm việc: Khoa Ngoại 1 - Bệnh viện Phổi tỉnh Thanh Hóa. Vào lúc 0h00 ngày 28/8/2021 Trung tâm CDC tỉnh cho biết bệnh nhân dương tính với SAR-CoV-2.    Ngay sau khi tiếp nhận thông tin kết quả trên địa bàn huyện có 1 ca dương tính với Covid 19, huyện Hoằng Hoá đã triển khai ngay nhiều biện pháp cấp bách chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch. Đến sáng ngày 29/8/2021 tất cả các trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính.

Mặc dù vậy, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện, xã nói riêng đã xảy ra tình trạng bà con đi mua hàng tích trữ . Do đó, BCĐ phòng chống dịch Covid -19 xã có một số khuyến cáo như sau:

Nhân dân không hoang mang, lo lắng, tích trữ lương thực, thực phẩm quá mức cần thiết. Dẫu biết rằng trước  tình hình dịch bệnh, lo lắng là tâm lý chung của nhiều người, để chúng ta có thêm “sức đề kháng” trước nguy cơ dịch, bệnh.

 Nhưng chúng ta phải hiểu rõ Sức đề kháng đó chính là chúng ta phải cẩn trọng hơn, nghiêm khắc với chính mình và người thân trong sinh hoạt, làm việc đảm bảo các quy định phòng, chống dịch, hợp tác với chính quyền, lực lượng chức năng để cộng đồng trách nhiệm đẩy lùi, nhấn chìm dịch bệnh COVID-19, chứ không phải lo lắng thái quá, tới mức hoang mang, hoảng sợ.

Thay cho nhìn nhận, phân tích, đánh giá tình hình dựa trên những hướng dẫn do cơ quan chuyên môn công bố, khuyến cáo, thì nhiều người lại a dua làm theo người khác, mà một trong số đó chính là việc đổ xô đến các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ và cửa hàng khuân vác lương thực, thực phẩm về nhà tích trữ, tạo tâm lý lo lắng cho người khác.

Việc làm có phần vội vàng ấy đã tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo, người chậm chân nhìn thấy các giá hàng hết hàng càng hoang mang, lo lắng. Những người dân vội vàng đi mua sắm đã chất thêm gánh nặng lên vai cơ quan quản lý thương mại và lực lượng chống dịch vào đúng thời điểm mà họ cần sự cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng để bình ổn thị trường, tránh những hệ lụy không hay.

Từ khi dịch, bệnh diễn ra đến nay, chúng ta đã có khá nhiều bài học về việc vội vàng nhìn vào hiện tượng để suy diễn bản chất dẫn đến phải trả giá. Tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu lâu dài chưa bao giờ xảy ra cả, dù là đợt dịch nào trong gần hai năm qua. Chỉ có những người tiêu dùng vội vàng tích trữ hàng hóa dẫn đến hư hỏng phải đổ bỏ. Những bài học ấy sẽ là tấm gương để người dân nhìn vào điều chỉnh hành vi, việc làm của mình lúc này.

Theo thông tin từ BCĐ phòng chống dịch các cấp thì từ Bộ công thương rồi đến  Sở Công thương, đến phòng công thương trên địa abnf các huyện  đã có phương án chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn,  lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng đơn vị để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường. Chỉ đạo các đơn vị phân phối tích trữ đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo đủ cho người dân phòng tránh dịch bệnh. Nếu có tình trạng găm hàng, đẩy giá các loại thực phẩm, thì lực lượng chức năng  sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Người dân cần tỉnh táo, theo dõi các thông tin chính thống để tránh hoang mang, lo lắng, gây nhiễu loạn thị trường.

Thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu trong những ngày sắp tới, đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều khẳng định đã cho nhập lượng hàng hóa với số lượng, khối lượng tăng gấp rưỡi, gấp đôi bình thường để có thể phục vụ nhu cầu người dân một cách lâu dài. Vùng chuyên canh rau, củ, quả, trang trại chăn nuôi ở Thanh Hóa cũng rất lớn, đều có thể đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong thời gian dài.Đặc biệt, với địa bàn là một xã thuần nông như Hoằng Xuyên thì lượng lương thực thực phẩm chủ yếu là tại chỗ như lúa gạo, gà vịt, rau củ… đều tự làm ra. Vậy thiết nghĩ chúng ta phải xô bồ đi mua sắm tích trữ để làm gì? Biết đâu trong quá trình chen lấn mua sắm ấy chúng ta lại vô tình tiếp xúc với mầm bệnh? Thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Trong bối cảnh dịch, bệnh diễn biến phức tạp, để có thêm niềm tin, động lực để chiến thắng “giặc dịch”, chúng ta cần tỉnh táo, nhìn nhận thấu đáo, lên án thái độ vô tâm, chủ quan và tùy tiện trong ứng xử tình huống của nhiều người, nhất là với những người đang lợi dụng “nước đục” để “thả câu”.

Phòng vệ nhưng cần đúng mức và đúng cách chính là chúng ta đang cùng nhau và vì nhau nhấn chìm COVID-19.

                                  

                                                                                                                         Phương Thảo - Đài TT xã

  
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
317458