Những nội dung chủ yếu của Luật Đầu tư công

Đăng lúc: 14:35:00 11/12/2024 (GMT+7)

 Những nội dung chủ yếu của Luật Đầu tư công

Nhằm tạo lập hệ thống cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, tại kỳ họp thứ 7, ngày 18/6/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13. Ngày 30/6/2014, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 14/2014/L-CTN công bố Luật Đầu tư công gồm 6 chương với 108 điều. Dưới đây là những nội dung chủ yếu của Luật Đầu tư công.

 

Chương I: Những quy định chung (gồm 16 điều, từ Điều 1 đến Điều 16).

Chương I quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ có liên quan đến đầu tư công. Đồng thời, trong Chương này quy định rõ các chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực đầu tư công; quy định về các tiêu chí phân loại dự án, điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công là những nội dung mới, trước đây mới chỉ quy định rải rác ở các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, chưa được luật hóa tại bất cứ văn bản luật nào. Các nguyên tắc và nội dung quản lý đầu tư công được quy định cụ thể trong Chương này. Các nội dung công khai minh bạch trong đầu tư công được quy định trong tất cả các khâu, từ khâu xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; nguyên tắc tiêu chí lựa chọn danh mục dự án đầu tư; nguyên tắc tiêu chí phân bổ vốn; xây dựng kế hoạch đến tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án,… Luật Đầu tư công cũng đã quy định đầy đủ các hành vi bị cấm liên quan đến toàn bộ các hoạt động đầu tư công.

 

Chương II: Chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công (gồm 2 mục với 32 Điều, từ Điều 17 đến Điều 48).

Mục 1. Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công: Quy định thẩm quyền quyết định của chủ chương đầu tư; điều kiện và trình tự thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, dự án quan trọng quốc gia và các chương trình, dự án nhóm A, B, C; phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chương trình, dự án đầu tư công. Đây là điểm mới và là một trong những nội dung quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, chưa có trong quy định của pháp luật (trừ dự án quan trọng quốc gia) từ trước tới nay. Với việc pháp luật hóa quyết định chủ trương đầu tư, sẽ góp phần khắc phục tình trạng tùy tiện, đơn giản và ngăn chặn ngay từ đầu những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được quy định trong Luật Đầu tư công (pháp luật hóa Chỉ thị số 1792/CT-TTg) cũng là một trong những điểm đổi mới quan trọng. Thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn sẽ khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, vượt quá khả năng cân đối các nguồn vốn; bảo đảm bố trí vốn tập trung, sớm đưa công trình vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Trong Mục 1 này cần lưu ý 2 điểm:

- Về phân cấp quyết định chủ trương đầu tư, đối với dự án nhóm A đều do Thủ tướng Chính phủ quyết định, không phân biệt nguồn vốn đầu tư của Trung ương hay địa phương.

- Về phân cấp thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, theo quy định của Luật Đầu tư công: tất cả các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn, bao gồm các dự án do các bộ, ngành quản lý (theo quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg do Bộ, ngành tự thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn), các dự án do địa phương quản lý sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương (gọi tắt là vốn trung ương).

Mục 2. Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công: quy định thẩm quyền quyết định chương trình, dự án đầu tư công; căn cứ và trình tự, thủ tục lập, thẩm định quyết định chương trình, dự án đầu tư công; điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công.

Chương III: Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công (gồm 3 mục, 23 điều, từ Điều 49 đến Điều 71).

Nội dung của Chương này quy định toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm theo từng nguồn vốn cụ thể. Điểm mới và quan trọng nhất của Chương này là chuyển từ kế hoạch đầu tư công ngắn hạn hàng năm sang kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Với việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động hơn trong việc bố trí, lồng ghép, huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Điểm mới quan trọng nữa trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư công là pháp luật hóa Chỉ thị số 1792/CT-TTg, giao cho các cấp, các ngành chủ động phân bổ vốn đầu tư công. Trung ương chỉ rà soát, điều chỉnh các sai sót trong phương án phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương. Quy định như vậy bảo đảm việc phân bổ vốn sát thực tế hơn với yêu cầu và định hướng phát triển trong các ngành, các địa phương. Đổi mới quan trọng thứ ba trong Chương này là quy định việc phân bổ vốn phải thực hiện theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước (Luật hóa Quyết định 60/2010/QĐ-TTg). Thực hiện tốt quy định này sẽ bảo đảm phân bổ vốn đầu tư công khai, minh bạch và công bằng, góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng. Nội dung cụ thể của Chương này bao gồm 3 mục sau:

Mục 1. Quy định về phân loại kế hoạch đầu tư công; căn cứ, nguyên tắc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; các nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; các điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; trình tự lập, thẩm định kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Mục 2. Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư theo từng nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước và các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư.

Mục 3. Lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt theo từng nguồn vốn trong 3 mục này phải thực hiện theo các quy định nêu trên, đồng thời có những quy định riêng theo từng nguồn vốn cụ thể.

Chương IV: Triển khai thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch đầu tư công (gồm 14 điều, từ Điều 72 đến Điều 85).

Chương này quy định các nội dung về tổ chức điều hành kế hoạch đầu tư công; triển khai thực hiện kế hoạch; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư trung hạn, hàng năm; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Trong Chương này, các quy định về giám sát cộng đồng cũng được Luật hóa và quy định cụ thể và có các biện pháp tổ chức thực hiện giám sát có hiệu quả.

Chương V: Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư công (gồm 20 điều, từ Điều 86 đến điều 105).

Chương này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp, ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về đầu tư công; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án; theo dõi, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công. Đồng thời, trong Chương này cũng quy định các chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý đầu tư công.

Chương VI: Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 106 đến Điều 108).

Chương này quy định việc xử lý các chương trình, dự án đã và đang thực hiện trước thời điểm Luật Đầu tư công có hiệu lực; thời hạn có hiệu lực của Luật và việc hướng dẫn thi hành Luật.

Nguồn: Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam

 

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
317458